image banner
Đền - Chùa - Phủ thôn Duyên Hưng, xã Nam Lợi
Lượt xem: 643
Vào khoảng thế kỷ thứ 17, các dòng họ Mai, Nguyễn, Trần, Vũ... đến mảnh đất Duyên Hưng để sinh cơ lập nghiệp, khi đó họ gặp phải rất nhiều tai ương, địch họa trong cuộc sống và lao động sản xuất. Vì vậy, các dòng họ và nhân dân làng Duyên Hưng đã sang đền Độc Bộ (thuộc xã Yên Nhân, huyện Ý Yên) làm lễ xin rước thần hiệu đức thánh Triệu Việt Vương về thờ với ý nghĩa tôn vinh tưởng nhớ vị vua có nhiều công lao đóng góp với đất nước và mong muốn vị thần phù hộ cho cuộc sống ấm no của nhân dân trong làng. Hiện tại đền có nhiều câu đối ghi lại việc thờ tự như sau:
Câu đối chữ Nôm:
“Cổng đền Phật đường cầu thỉnh đức từ bi cứu thế,
Lối vào điện Thánh nhớ ơn người hộ quốc an dân”.
Dịch nghĩa:
“Cổng đền Phật đường cầu thỉnh đức từ bi cứu thế,
Lối vào điện Thánh nhớ ơn người hộ quốc an dân”.
Câu đối chữ Hán:
“Độc Bộ hiển linh thiên cổ tại,
Duyên Hưng sùng tự vạn niên trường”
Dịch nghĩa:
“ Đất Độc Bộ linh thiêng nghìn năm còn mãi,
Đền Duyên Hưng thờ cúng muôn thuở dài lâu”
Công lao của đức Thánh Triệu Việt Vương đã được các triều đại phong kiến ghi nhận và ban tặng nhiều sắc phong. Hiện nay tại di tích còn lưu giữ 

Ngai và bài vị thờ đức thánh Triệu Việt Vương
được 6 đạo sắc phong cho Thánh Triệu Việt Vương, đạo sắc sớm nhất vào thời vua Thiệu Trị 6 (1846) có nội dung:
“Sắc chỉ Nam Định tỉnh, Nam Chân huyện, Duyên Hưng xã tòng tiền phụng sự Triệu Việt Vương miếu. Minh mệnh nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh tổ Nhân Hoàng đế ngũ tuần đại khánh, tiết khâm phụng bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim chi thiệu tiền du, truy sùng khánh điển, đặc chuẩn y cựu phụng sự, dụng thân kính ý”.
Khâm tai.
Thiệu Trị lục niên, lục nguyệt, thập lục nhật.
Dịch nghĩa:
“Sắc chỉ xã Duyên Hưng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định theo trước phụng thờ miếu Triệu Việt Vương. Năm Minh Mệnh 21 (1840) gặp dịp Thánh tổ Nhân Hoàng đế ta mừng thọ 50 tuổi, đã ban tặng bảo chiếu, long trọng làm lễ tăng thưởng phẩm trật. Nay được kế tiếp cơ nghiệp tổ tông, khảo sát điển sách về những việc vui mừng, đặc biệt chuẩn cho phụng thờ thần như cũ, dùng để bày tỏ lòng kính cẩn”.
Kính thay.
Ngày 16 tháng 6, triều vua Thiệu Trị năm thứ 6 (1846)
Ngoài thờ Đức thánh Triệu Việt Vương, đền Duyên Hưng còn thờ 4 vị thần là: Cao Sơn, Đông Hải, Nam Hải và Mai Đô đại vương. Nhân dân thôn Duyên Hưng thờ tự các vị với mong muốn họ sẽ che chở bảo vệ dân thôn. Làm cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và nhân khang vật thịnh. Hiện tại đền còn lưu giữ được 15 đạo sắc phong cho 4 vị, đạo sắc có niên đại sớm nhất là vào năm Thiệu Trị 6 ( 1846) và đạo sắc muộm nhất là vào năm Khải Định 9 (1924). Nội dung sắc phong triều vua Khải Định năm thứ 2 (1887) có nội dung:
Dịch nghĩa:
“Sắc thần thượng đẳng Cao Sơn linh thiêng phò giúp chính sự, mở rộng oai võ, đôn từ nhân hậu, mạnh mẽ lớn lao tài giỏi; thần thượng đẳng Đông Hải ban ơn trạch thấm nhuần, làm nhiều việc lợi; thần trung đẳng Nam Hải ban ơn trạch thấm nhuần, làm nhiều việc lợi tới khắp muôn dân. Đến nay giúp nước cứu dân, linh thiêng ứng nghiệm rõ rệt, đã từng ban cấp sắc phong để phụng thờ. Nay Trẫm được kế thừa mệnh lớn, tưởng nhớ sự sâu xa tốt đẹp của thần, nên phong tặng thêm là thần trung đẳng, thần thượng đẳng phò giúp nền chính trị thịnh trị. Vẫn chuẩn cho xã Duyên Hưng, huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định phụng thờ thần như cũ, thần sẽ che chở, bảo vệ cho dân ta.
Kính thay.
Ngày mùng 1 tháng 7, triều vua Đồng Khánh năm thứ 2 (1887).

Sắc phong cho Triệu Việt Vương Hoàng đế, niên hiệu Thiệu Trị 6( 1846)
Phủ Duyên Hưng thờ tam tòa thánh Mẫu gồm: Mẫu Đệ Nhất, Đệ Nhị và Đệ Tam. Hiện nay tại phủ còn lưu giữa được 4 đạo sắc phong. Nội dung các đạo sắc đều phong cho Đệ nhất Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Đệ nhị Thượng ngàn, Đệ tam Thủy tinh Ngọc Hồ Lân nữ.

Mảng chạm khắc hổ phù, long vân tại bộ vì gian giữa hậu cung
Đền, chùa, phủ Duyên Hưng được xây dựng trong một khuôn viên rộng 4.735 m2. Đền kiến trúc theo kiểu “tiền chữ nhất, hậu chữ đinh” gồm tiền đường 3 gian, trung đường 3 gian và cung cấm 4 gian xoay dọc. Tòa  tiền đường có 5 gian, đây là công trình mới được xây dựng, chất liệu hoàn toàn bằng xi măng cốt thép, mái chảy đổ bê tông dán ngói nam. Tòa cung cấm thiết kế theo kiểu “tiền đao hậu đốc”, được xây dọc với tòa trung đường, chia thành 4 gian. Liên kết theo trục ngang gồm có 2 bộ vì. Bộ vì thứ nhất (vì mái đao) được tạo dựng bởi các cấu kiện: câu đầu, ván mê, trụ non, kẻ góc. Xà thượng, xà hạ và bẩy được liên kết với nhau theo trục ngang làm nhiệm vụ gánh đỡ mái đao. Nâng đỡ các cấu kiện này là hệ thống cột, gồm 2 cột cái và 2 cột quân. Mặt trên câu đầu là bức mê chạm khắc họa tiết “triện tàu lá dắt”, đỉnh ván mê đỡ thượng lương còn hai cạnh ván mê đỡ hoành mái. Bộ vì thứ hai chính là bức thuận ngăn cách giữa 3 gian trong với gian ngoài cùng của cung cấm. Bộ vì này được gia công theo kiểu “tứ hàng chân” tạo thành 3 khoang cửa. Chính giữa vách thuận nơi tiếp giáp nóc mái là bộ vì kiểu “câu đầu ván mê”, nối giữa 2 cột cái và cột quân là câu đầu, phía trên câu đầu là bức mê được chạm khắc kênh bong họa tiết “hổ phù ngậm chữ thọ”, phía dưới câu đầu là bức đại tự nhấn nổi 3 chữ Hán “Tối linh  từ”, có nghĩa là: Ngôi đền thờ vị thần linh thiêng, hai khoang cửa bên mỗi khoang chạm nổi đề tài “tứ linh”, “tứ quý” đan xen còn có hoa văn sóng nước...  Liên kết theo trục dọc có hai bộ vì kết cấu giống nhau, theo kiểu “xà đinh, trốn cột, trụ non, chồng rường, bẩy tiền”. Để tăng thêm giá trị nghệ thuật cho công trình các nghệ nhân đã chạm khắc nhiều đề tài đa dạng và phong phú như: “rồng chầu mặt trời, tứ linh, tứ quý, hình rồng với đầu vươn cao như đang bay lên và các họa tiết hoa lá cách điệu” tất cả được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Hệ thống nghi môn
Chùa Duyên Hưng là công trình mới được phục dựng, nên hoàn toàn làm bằng chất liệu bê tông cốt thép. Chùa được xây dựng theo kiểu chữ “đinh” gồm: bái đường 5 gian, mái đổ bê tông cốt thép trên dán ngói nam. Tòa tam bảo làm giao mái với tòa bái đường gồm 3 gian, được xây quay dọc thiết kế theo kiểu mái vòm.
Phủ Duyên Hưng là công trình mới được phục dựng, nhưng làm hoàn toàn bằng gỗ lim với bố cục mặt bằng kiểu chữ “đinh” gồm 2 tòa: tiền đường và cung cấm.

Kiệu song hành mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn
Hàng năm, tại di tích diễn ra nhiều ngày lễ, ngày giỗ liên quan đến những nhân vật lịch sử thờ tại di tích và các sự kiện của làng, xã. Trong số những kỳ lễ đó, quan trọng nhất là lễ tưởng niệm ngày mất của Đức thánh Triệu Việt Vương được nhân dân cử hành trọng thể từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 8 âm lịch.
Đúng ngày chính kỵ 14 tháng 8, dân làng cùng các dòng họ trong thôn tổ chức lễ rước kiệu quanh làng. Đi đầu đám rước là người rước cờ hội tiếp theo là hai hàng cờ ngũ sắc, tiếp đến là chiêng, trống, bát biểu và phường bát âm. Sau hai hàng bát biểu là kiệu hương án, bình trầm khói hương nghi ngút rồi đến kiệu Đức thánh. Gồm 16 người khiêng, đi sau kiệu là các vị chức sắc, dân làng cùng khách thập phương tham dự. Hành trình của đám rước bắt đầu đi từ nhà truyền thống của thôn đi qua các xóm về đền. Đoàn rước kéo dài với không khí vừa trang nghiêm vừa sôi động. 
Ngoài các nghi lễ thiêng liêng, trong lễ hội còn diễn ra các sinh hoạt văn hoá và các trò chơi dân gian đặc sắc như: đu quay, tổ tôm điếm, đấu vật, tổ chức văn nghệ... với không khí đông vui, náo nhiệt.
Đền, chùa, phủ Duyên Hưng là một tổng thể di tích có giá trị lịch sử. Đây là nơi nhân dân tri ân công đức to lớn của đức thánh Triệu Việt Vương với quê hương đất nước. Triệu Quang Phục là một võ tướng của triều Tiền Lý đã đứng lên đánh tan quân xâm lược nhà Lương, giành lại độc lập cho dân tộc, tiến vào thành Long Biên xưng hiệu là Triệu Việt Vương
Đền, chùa, phủ Duyên Hưng mặc dù đã trải qua thời gian cùng sự bào mòn của thiên nhiên nhưng vẫn bảo lưu được phong cách kiến trúc gỗ khá hoàn chỉnh, mang đậm phong cách cổ truyền dân tộc. Tại đây còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị như: Tượng thờ, câu đối, đại tự, kiệu, sắc phong... Với những giá trị tiêu biểu về Lịch sử và Văn hóa đền - chùa - phủ thôn Duyên Hưng được UBND tỉnh xếp hạng di tích Lịch sử và Văn hóa năm 2009.
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Cơ quan chủ quản: Xã Nam Lợi - Nam Trực
Địa chỉ: xã Nam Lợi- huyện Nam Trực- tỉnh Nam Định
Email: xanamloi.ntc@namdinh.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang